27 thg 7, 2013

"Guernica"

"Guernica" (349 cm x 776 cm), vẽ năm 1937, được xem là bức họa nổi tiếng nhất của Pablo Picasso (1881-1973).

Theo A. Fernugier, “GUERNICA” là một tác phẩm không hề được tính trước mà đó là một hình ảnh gần như được nảy sinh tức thì từ phản ứng của người nghệ sĩ ở một trong những giai đoạn bi thảm và ác liệt nhất của cuộc nội chiến TÂY BAN NHA.

Ngày 26 tháng 4 năm 1937 máy bay Đức ném bom xuống thành phố Guernica, ngày 29 tháng 4 năm 1937 báo chí lên án sự tàn bạo ghê gớm của máy bay Đức đã san bằng một trung tâm văn hóa và truyền thống chính trị lịch sử của Guernica khiến cho sự tiêu hủy này có giá trị của một tượng trưng tinh thần… các báo New York Times, The Times thời đó đăng tải như vậy.

Ngày 10 tháng 5 năm 1937 Picasso bắt đầu vẽ những bức nghiên cứu đầu tiên cho Guernica, phác thảo tổng thể của bố cục để ngày 09 đến ngày 11 tháng năm 1937 chuyển qua tranh chính gồm 8 giai đoạn liên tục và dứt điểm vào đầu tháng 6 năm 1937.

Con ngựa là một trong 8 nhân vật trong kiệt tác Guernica; Con ngựa được đặt ở giữa tranh bị đâm bằng một lưỡi gươm đang hấp hối. Bên trái con bò mộng, đầu quay sang một bên, đuôi dựng ngược, một người đàn bà ngửa mặt thét lên vì đau đớn và ẵm một đứa bé đã chết trên tay. Bên phải bao quanh gương mặt nhìn nghiêng của người đàn bà cầm đèn, một người đàn bà khác nhắc mình dậy khỏi mặt đất hướng về phía ánh sáng, một người đàn bà thứ ba đưa tay lên trời và có vẻ như bị thiêu sống trước ngôi nhà bị cháy. Phía tiền cảnh một nhân vật, một pho tượng hơn là một con người với những mảnh vỡ nằm rải rác trên mặt đất, anh ta siết chặt trong tay một thanh kiếm gãy, gần thanh kiếm là một đóa hoa; và nếu chúng ta không muốn sót một nhân vật số 9 một con chim hắc mỏ ra như thét lớn, trừ gương mặt của con bò mộng và em bé chết tất cả những gương mặt còn lại đều há hốc, lộ vẻ hãi hùng, giận dữ gần như bất động, mọi sự thay đổi đều vô ích.

Kiệt tác hoành tráng này gióng lên một tiếng chuông cảnh tỉnh nhân loại về thảm họa của chiến tranh, đồng thời là một thông điệp hòa bình vĩnh cửu mà trong lịch sử mỹ thuật thế giới không có tác phẩm nào làm được như nó.

Tranh chỉ được vẽ bằng hai màu đen trắng nhằm chuyên chở tính thời sự như một bức ảnh báo chí và thể hiện tính chất chết chóc của chiến tranh. Guernica có một hành trình thật dài đến với người xem nhiều xứ sở, hơn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào khác từ cổ chí kim: từ Paris, bức tranh đến thủ đô các nước vùng bán đảo Scandinavia, London, Munich rồi trở lại Pháp. Sau khi tướng Franco nắm quyền tại Tây Ban Nha, bức tranh được đưa sang Hoa Kỳ để triển lãm gây quỹ cứu trợ cho những người Tây Ban Nha lánh nạn phát xít. Khi Picasso đề nghị tìm một nơi an toàn cho Guenica, tác phẩm được giao cho Bảo tàng MoMA ở New York gìn giữ và bảo quản.

Trong giai đoạn 1939-1952, Guernica được trưng bày ở nhiều nơi trên đất Mỹ, tới những năm 1953-1956, nó được triển lãm tại Brazil, sau đó có mặt trong triển lãm hồi cố lần đầu tiên của Picasso ở Milan (Ý), rồi đến các đô thị lớn ở châu Âu trước khi về lại Bảo tàng MoMA để tham gia triển lãm nhân kỷ niệm 75 năm ngày sinh Picasso. Từ MoMA, Guernica đến với công chúng ở Chicago và Philadelphia.

Đến lúc này, đã xuất hiện những mối lo về tình trạng của tác phẩm sau nhiều năm chu du thế giới nên nó được đưa về lại MoMA, chiếm trọn một phòng ở tầng 3 của bảo tàng, bên cạnh có thêm một số phác thảo nghiên cứu vào thời kỳ đầu Picasso đến với mỹ thuật.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, căn phòng trưng bày Guernica ở MoMA trở thành nơi tập hợp những người phản chiến đến cầu nguyện cho hòa bình. Năm 1974, Tony Shafrazi, một người Mỹ phản chiến, do căm tức tổng thống Nixon tha bổng cho tên cuồng sát William Calley trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai đã có hành vi rồ dại là lấy sơn đỏ xịt lên bức Guernica dòng chữ “Hãy giết hết bọn dối trá!”.Hậu quả là tác phẩm bị hư hại bề mặt, cần phải phục chế.

Đầu năm 1968, tướng Franco đã từng đề nghị đưa Guernica về với Tây Ban Nha nhưng Picasso đã thẳng thừng bác bỏ, khẳng định rằng bức tranh của ông chỉ về với nhân dân Tây Ban Nha sau khi chế độ Franco cáo chung và nền cộng hòa trở lại.

Picasso qua đời năm 1973. Đến năm 1975, Franco chết và dù chế độ mới đã ra đời tại Tây Ban Nha từ năm 1978, Bảo tàng MoMA chưa chịu trả tác phẩm về với quê hương của nó.

Sau nhiều áp lực của quốc tế cùng với những cuộc thương lượng giữa chính phủ Tây Ban Nha với MoMA, bảo tàng này đã chịu giao lại Guernica vào năm 1981. Bức tranh được đưa về Bảo tàng Prado ở Madrid. Năm 1992, Guernica được đưa từ Bảo tàng Prado đến Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia mang tên hoàng hậu Reina Sofía cũng ở thủ đô Madrid, cho dù chính Picasso từng tuyên bố nếu Guernica trở về cố hương nó chỉ được trưng bày tại Bảo tàng Prado. Đã có những phản ứng về việc di chuyển này, nhưng Guernica thích hợp hơn với Bảo tàng Reina Sofía mới xây dựng, nơi trưng bày các tác phẩm của thế kỷ XX hơn là Bảo tàng Prado cổ kính thích hợp với các tác phẩm từ thế kỷ XIX trở về trước. Còn những người xứ Basque cực đoan vẫn đòi Guernica phải trở về với chính vùng đất từng xảy ra vụ thảm sát đẫm máu, nhất là sau khi Bảo tàng Guggenheim Bilbao được xây dựng (thành phố Bilbao cũng thuộc xứ Basque), nhưng giới chức của Bảo tàng Reina Sofía cho rằng bức tranh khổng lồ nay đã quá mong manh, khó chịu đựng nổi một lần chuyển chỗ nữa. Chính các chuyên gia của Guggenheim Bilbao cũng đồng tình với nhận định này. Và câu chuyện dài về một kiệt tác hội họa của nhân loại có lẽ đã có hồi kết. Guernica đã có một bến để dừng chân vĩnh viễn.
------------
ST